Các cung đường có độ dốc lớn thường không dành cho người tay lái yếu, kỳ thực các ‘tay lái lụa’ đôi khi cũng sẽ lúng túng khi đối mặt với một con dốc sâu thăm thẳm. Có vài mẹo được phượt thủ chuyên nghiệp chia sẻ về cách đổ đèo bằng xe máy số và xe máy tay ga, bạn có thể tham khảo, ghi nhớ và áp dụng vào lúc cần thiết.

Lúc đổ đèo không nên tắt máy
Đi xe số hay là xe tay ga, lúc đổ đèo cũng không nên tắt máy. Tắt máy, xe sẽ trôi đi theo quán tính, không thể dùng phanh động cơ trong khi đó, mà phanh tay cũng mất tác dụng bơm dầu.
Kinh nghiệm đổ đèo bằng xe máy số
Nếu đi xe số, người dùng có thể về số thấp để dễ phanh động cơ. Số thấp giúp ghìm thân xe lại, xe sẽ trôi chậm hơn, người lái sẽ có đủ thời gian sử lý các tình huống và tập trung dùng phanh chân.
Lái xe số 4 mà xe trôi nhanh quá thì hãy về số 3, cứ như thế, có thể về số 2 khi cần thiết. Vì về cơ bản, khi xuống số thấp, xe sẽ cần lực kéo lớn hơn mà người dùng không thêm ga thì xe sẽ phải chạy chậm hơn lúc đi số cao.

Kinh nghiệm đổ đèo cho người dùng xe máy tay ga
Nếu đi xe tay ga thì việc đổ đèo sẽ khó hơn, vì loại xe này dùng hộp số CVT biến thiên vô cấp, không thể lên hay xuống số. Người lái phải dùng ‘phanh động cơ’ bằng cách lợi dụng độ bám của bộ ly hợp để ghìm xe lại.
Lúc đổ đèo phải để xe chạy ở tốc độ ổn định lớn hơn 15 km/h, rà phanh, xoắn nhẹ tay ga, vừa mớm ga vừa phanh để xe trôi chậm xuống đèo. Chú ý, không được để vận tốc quá 40km/h. Khi đó bộ côn đã bám, nhả phanh và ga, xe sẽ bị ghìm lại. Côn vẫn bám và xe bị động cơ kéo giật lại, máy sẽ phát ra tiếng ồn lớn.
Nếu đi qua các vòng cua gấp thì nên phanh lại để giảm xuống còn 10km/h hoặc 5km/h, hết cua thì lại đẩy lên 15km/h và lặp lại cách mớm ga như trên, để côn bám trở lại và nhả ga ra, đi tiếp quãng đường đèo còn lại.
Nhưng cách này vẫn sẽ tìm ẩn nguy cơ, nên trừ trường hợp không còn phương tiện thích hợp nào để dùng, bằng không không nên dùng xe tay ga đổ đèo đối với người không chuyên hoặc người tay lái yếu.

Trước khi đổ đèo, cần bảo dưỡng xe như thế nào?
Các chuyến phượt đi xa, vượt địa hình từ tỉnh này sang tỉnh khác ở Việt Nam không thể nào tránh khỏi cảnh đổ đèo.
Trước khi đi, người dùng cần phải kiểm tra, bảo dưỡng xe thật kỹ. Những chi tiết cần quan tâm bao gồm: bánh xe, lốp xe, động cơ, nhông sên dĩa, phải thay nhớt cho xe. Nếu là xe tay ga thì nên kiểm tra bình.
Lúc đi xe nên mang theo dụng cụ sửa xe cơ động và phụ tùng cần thiết, trường hợp gặp vấn đề có thể thay thế ngay tại chỗ.
Xem thêm: 6 bí quyết đổ xăng tiết kiệm ‘thuộc nằm lòng’ được bật mí từ ‘dân chuyên’
Source: Kỹ năng sống còn: Kinh nghiệm đổ đèo bằng xe máy số và xe máy tay ga